Ẩm thực Nhật Bản vốn đã nổi tiếng bởi sự tỉ mỉ và cầu kỳ, với xu hướng hiện đại hóa hiện nay, người Nhật còn mang cả văn hóa kawaii vào từng món ăn.
Dù trở thành cụm từ cửa miệng của các thiếu nữ Nhật Bản ngày nay, nhưng thực chất “kawaii” đã xuất hiện trong văn hóa Nhật Bản truyền thống lâu đời dưới dạng một từ cổ – với “ka” (khả) và waii (ái) – ghép lại thành khả ái, đáng yêu, đáng mến. Nghĩa gốc của kawaii dùng để chỉ những sự vật, sự việc, nhân vật nhỏ nhắn, vóc dáng dễ thương, màu sắc tươi tắn đem lại cảm giác trong sáng và vui nhộn.
Do xuất phát từ quan niệm truyền thống đặc trưng, nên dù vẫn được hiểu là đáng yêu và sử dụng với tư cách một lời khen hoặc cảm thán cho những sự vật dễ thương, từ “kawaii” vẫn giữ nguyên mà không bao giờ được dịch ra Tiếng Anh cho dù nó đã phổ biến toàn cầu như một hiện tượng văn hóa và xu hướng thẩm mỹ đặc trưng ở Nhật. Không có gì ngạc nhiên khi “kawaii” vẫn là khái niệm biệt lập với “lovely” hay “cute” trong Tiếng Anh, và ở Nhật, bạn có thể bất ngờ khi thấy các nữ sinh có thể thốt lên “kawaii!” với một cảnh tượng có vẻ chẳng ăn nhập gì với tiêu chuẩn dễ thương của chúng ta – như một cánh đồng hoa tuyệt đẹp chẳng hạn!
Sự bùng nổ của văn hóa kawaii được đánh dấu từ trong thói quen ngôn ngữ thường nhật khi bất kì sự vật dù là xinh xắn, hay chỉ đẹp hoặc ấn tượng, cũng có thể dùng “kawaii” để miêu tả. Mọi phương tiện đời sống đều khoác lên mình dáng vẻ dễ thương từ nhu yếu phẩm, đồ công nghệ, thời trang, mĩ phẩm với những màu sắc tươi tắn vui nhộn như hồng, cam, vàng, các chi tiết nhỏ nhưng đắt giá như ren, đăng ten, chấm bi…
Từ nghệ thuật tạo hình thực phẩm phong cách “kawaii”
Ẩm thực Nhật Bản từ lâu đã ghi dấu với những món ăn mang tính thẩm mỹ cực kì cao, trước khi chinh phục vị giác đã gây ấn tượng cho người thưởng thức bởi hình thức trang trí bắt mắt và tinh tế. Và ở chính nghệ thuật tạo hình thực phẩm của mình, người Nhật cũng thổi vào đó nét đáng yêu tinh nghịch của văn hóa kawaii.
Ngay đến wagashi – đỉnh cao của ẩm thực cung đình sang trọng và tinh tế bậc nhất Nhật Bản – cũng hàm chứa trong mình những nét đặc trưng của văn hóa kawaii. Đồ ngọt wagashi chủ yếu mang hình dạng của các loài thực vật, và kĩ thuật “chibi hóa” trong tạo hình bánh vẫn được áp dụng khi các cánh hoa thường được bo tròn và tạo hình mềm mại hơn, màu sắc cũng phối theo tông pastel vừa rực rỡ lại vừa mỏng mảnh, đáng yêu,…
Đến thời kì hiện đại, xu hướng tạo hình món ăn theo phong cách kawaii lại càng phát triển và thậm chí là lan rộng ra toàn thế giới thông qua nghệ thuật bento. Kì thực cơm hộp ở các nước Châu Á khác cũng tồn tại và cầu kì không kém Nhật Bản, nhưng chỉ ở riêng xứ Phù Tang, người ta mới tìm thấy sự xuất hiện dày đặc của những nhân vật hoạt hình hay truyện tranh như Doraemon, Pikachu, Totoro… trong chính hộp cơm hàng ngày của mọi người.
Đến dịch vụ ẩm thực theo xu hướng kawaii
Vượt ra khỏi khuôn khổ hình thức, văn hóa kawaii còn thể hiện sức ảnh hưởng sâu rộng của mình đến ẩm thực Nhật Bản. Đó là sự tồn tại của những chuỗi cửa hàng, dịch vụ ăn uống với phong cách đáng yêu nhí nhảnh.
Tiêu biểu nhất cho các dịch vụ ẩm thực đậm màu sắc “kawaii” này chính là Maid café. Đúng như tên gọi, khi bước vào quán, bạn sẽ được phục vụ bởi những nhân viên ăn vận như các cô hầu gái với ngoại hình xinh xắn hệt búp bê phương Tây: Trang phục Lolita cầu kì với ren và đăng ten, mái tóc uốn xoăn hoặc buộc hai bên nhí nhảnh, đôi mắt to tròn và giọng nói tươi vui, lảnh lót… Đó là chưa kể đến không gian quán cũng “kawaii” không kém khi gợi nhắc thực khách về những ngôi nhà búp bê tí hon có nội thất màu kem, giấy dán tường chấm bi, trái tim hoặc hoa nhí, cùng những chiếc khăn trải bàn cầu kì…
Trong lĩnh vực quảng cáo và kinh doanh ẩm thực, xu hướng tạo ra những chiến dịch quảng bá với các nhân vật theo nét vẽ chibi cũng khá được ưa chuộng tại Nhật. Thực tế cho thấy người Nhật rất dễ bị thu hút bởi các chương trình quảng cáo mang màu sắc lí lắc, dễ thương hơn hẳn những ý tưởng hoành tráng hay sexy.
Bên cạnh một luồng tâm thức luôn hướng về cái đẹp u hoài với cái vô thường, phù du và ảo ảnh, văn hóa Nhật Bản nói chung và ẩm thực nói riêng vẫn tồn tại trong mình một dòng chảy tươi vui, đáng yêu và rực rỡ của những yếu tố “kawaii” lấy cảm hứng từ đời sống thuần khiết của trẻ thơ.