TÀU CAO TỐC SHINKANSEN Ở NHẬT BẢN

Có thể nói tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản là một trong những hình ảnh tiêu biểu về xã hội công nghiệp hiện đại. Trên tàu không có toa nằm và không phải tàu nào cũng có toa ăn, vì nói chung thời gian đi lại chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Tàu Shinkansen cũng chạy trên loại đường ray kiểu thông thường nhưng được gia cố đặc biệt và bảo trì nghiêm ngặt. Một hệ thống kiểm soát tự động được áp dụng để tránh tai nạn bằng cách duy trì khoảng cách an toàn giữa các tàu, đồng thời ngăn không để tốc độ vượt quá giới hạn cho phép bằng cách dùng phanh tự động. Tất cả các tàu đều được giám sát và kiểm soát bằng các hệ thống vi tính kiểm soát giao thông ở Tokyo. Nguồn điện cung cấp cho tàu cũng luôn được kiểm soát chặt chẽ. Các toa tàu đều được thiết kế theo hình dáng khí động học, cửa sổ không thể mở ra nhưng bên trong được thông gió và có gắn hệ thống điều hòa không khí. Mỗi trục bánh xe đều có gắn mô-tơ, cho phép phanh tất cả các trục cùng một lúc. Ngoài ra, hệ thống vận hành của tàu đảm bảo, trục trặc ở một vài bộ phận không ảnh hưởng đến hoạt động của cả con tàu. Vậy bối cảnh nào dẫn đến sự ra đời của tàu Shinkansen? Tuyến đường sắt phục vụ hành lang dài 500km giữa Tokyo và Osaka luôn được coi là huyết mạch của Nhật Bản vì khu vực này là trung tâm công nghiệp và kinh tế-xã hội của đất nước, tập trung gần một nửa dân số và 2/3 ngành công nghiệp Nhật Bản.
Vào những năm 50, tuyến đường sắt Tokaido phục vụ khu vực Tokyo-Osaka được ưu tiên cải tiến hơn so với các tuyến khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Giải pháp cuối cùng là xây dựng một đường tàu cao tốc riêng. Dự án khởi công vào tháng 4/1959 và hoàn tất vào tháng 7/1964. Tuyến đường Shinkansen đầu tiên bắt đầu hoạt động ngày 1/10/1964, đúng 10 ngày trước khi khai mạc Olimpic mùa hè Tokyo, với 60 chuyến mỗi ngày, mỗi tàu có 12 toa. Tổng chi phí xây dựng là 1 tỉ đôla, gấp đôi dự toán ban đầu.

Tàu Shinkansen đã giảm thời gian đi lại tối thiểu giữa Tokyo và Osaka từ 6 giờ 30 phút xuống 2 giờ 30 phút. Tàu này được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh vì có tốc độ cao, tiết kiệm thời gian, tiện nghi và hoạt động đúng giờ. Trong thập niên 60-70, hình ảnh chiếc tàu Shinkansen chạy dưới chân núi Phú Sĩ phủ tuyết trắng được coi là biểu tượng của nước Nhật hiện đại.

Việc nhiều người ưa thích tàu Shinkansen và thực tế tình hình giao thông gia tăng nhanh chóng đã dẫn đến nhu cầu phải kéo dài hệ thống Shinkansen về hướng tây. Tuyến Sanyo dài 161km nối Osaka với Okayama bắt đầu hoạt động vào tháng 3/1972, sau 5 năm xây dựng với chi phí 739 triệu đôla. 2 năm sau, tuyến đường bắt đầu được kéo dài tới Hakata ở Kyushu, chạy qua đường ngầm Kammon dưới biển. Đoạn kéo dài gần 393km này cũng mất 5 năm xây dựng với tốn phí là 2,4 tỉ đôla. Nói chung, các tàu Shinkansen có tốc độ tối đa là 270km/h. Hầu như mỗi ngày, suốt từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, cứ 7 phút lại có một chuyến tàu Shinkansen rời Tokyo đi Osaka hoặc địa điểm nào đó ở miền tây. Năm 1991, một ngày có 278 chuyến tàu hoạt động trên tuyến này và mỗi tàu gồm 16 toa. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1964 đến năm 1991, chỉ riêng tuyến Tokaido Sanyo đã phục vụ 3 tỉ lượt hành khách.
Đường Shinkansen Tohoku và Joetsu bắt đầu hoạt động vào năm 1982. Đường Tohoku nối Tokyo với Morioka ở miền bắc Nhật Bản, dài 535,3km, trung bình mỗi ngày có 115 chuyến tàu và chở hơn 30 triệu lượt hành khách mỗi năm. Tuyến Joetsu đi từ Tokyo đến Niigata trên bờ Biển Nhật Bản, dài gần 334km, mỗi ngày có 85 chuyến và chuyên chở 20 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Ngoài ra, còn có các đường Shinkansen nối Tokyo với Akita và Yamagata. Tháng 10/1997, tuyến Shinkansen Nagano-yuki bắt đầu đi vào hoạt động, kết nối giao thông cao tốc giữa thủ đô và Nagano, góp phần tích cực vào sự thành công của Thế vận hội mùa đông Nagano 1998.
Tàu Shinkansen tốc độ nhanh nhất đang được sử dụng là tàu Shinkansen Nozomi, đạt tới 300km/h. Trong giai đoạn thí nghiệm, tàu Shinkansen 300X có tốc độ kỷ lục là 443km/h.
Sau 35 năm hoạt động, tàu Shinkansen của Nhật Bản nổi tiếng là hoạt động an toàn, nhanh chóng, vận chuyển nhiều hành khách và hết sức đúng giờ. Thành công của tàu Shinkansen đã cách mạng hóa tư duy về tàu cao tốc. Nó không chỉ được coi là “vị cứu tinh của ngành đường sắt Nhật Bản đang xuống dốc” mà còn là động lực thúc đẩy nhiều nước khác xây dựng mới hoặc hiện đại hóa hệ thống đường sắt của họ./.