1. Diện tích
Nhật Bản (tiếng Nhật gọi là Nihon hoặc Nippon), chạy theo hình vòng cung dài 3.800km, từ vĩ độ bắc 20025’ đến 45033’ bên bờ phía Đông lục địa châu Á. Tổng diện tích của Nhật Bản là 380.000 km2 , lớn hơn Phần Lan, Việt Nam hoặc Malaysia một chút, song chỉ bằng 1/25 tổng diện tích của Mỹ, 1/2 tổng diện tích của Chile, gấp 1.5 lần diện tích nước Anh. Nhật Bản là đất nước có nhiều rừng núi, chiếm khoảng 67% diện tích, các cánh đồng được canh tác chiếm khoảng 13%.
Nhật Bản gồm 4 hòn đảo chính là Hokkaido (83.453 km2), Honshu (231.078 km2, chiếm trên 60% tổng diện tích), Shikoku (18.788 km2) và Kyushu (42.165 km2) và hàng ngàn hòn đảo nhỏ khác.
2. Thủ đô
Tokyo là thủ đô của Nhật Bản với diện tích 2.187 km2, dân số 12.064.000 người (năm 2000). Thủ đô Tokyo là trung tâm chính trị gồm các toà nhà hành chánh của chính phủ như Toà nhà Quốc hội, Toà án, nhiều văn phòng của các Bộ được tập trung ngay tại khu vực trung tâm của thủ đô. Tokyo còn là một trung tâm kinh tế với sự hiện diện của các văn phòng công ty. Ngoài ra Tokyo cũng là một trung tâm văn hoá và thông tin với nhiều cơ sở văn hoá, toà soạn báo, đài truyền hình đang hoạt động tại đây.
3. Khu vực hành chính
Đơn vị hành chính của Nhật Bản gồm 4 cấp: “to”, “do”, “fu” và “ken”.
– “to” (“đô”) : dùng cho Tokyo
– “do” (“đạo”) : dùng riêng cho Đảo Hokkaido
– “fu” (“phủ”) : dành cho Osaka và Kyoto
– “ken” (“huyện”) : đơn vị hành chính cấp tỉnh
Nhật Bản có 43 “ken”, 1 “to”, 2 “fu” và 1 “do”. Ngoài ra, Nhật Bản còn thường được chia làm 8 vùng:
(1) Hokkaido
(2) Tohoku
(Gồm các tỉnh: Aomori, Iwate, Miyagi, Akita, Yamagata, Fukushima)
(3) Kanto
(Gồm các tỉnh: Ibaraki, Tochigi, Gumma, Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa)
(4) Chubu
(Gồm các tỉnh: Niigata, Toyama, Ishikawa, Fukui, Yamanashi, Nagano, Gifu, Shizuoka)
(5) Kinki
(Gồm các tỉnh: Mie, Shiga, Kyoto, Osaka, Hyogo, Nara, Wakayama)
(6) Chugoku
(Gồm các tỉnh: Tottori, Shimane, Okayama, Hiroshima, Yamaguchi)
(7) Shikoku
(Gồm các tỉnh: Kagawa, Ehime, Tokushima, Kochi)
(8) Kyushu
(Gồm các tỉnh: Fukuoka, Saga, Nagasaki, Kumamoto, Oita, Myazaki, Kagoshima, Okinawa)
4. Dân số
Vào năm 2000, dân số Nhật Bản là 126.926.000 người, đứng hàng thứ 9 trên thế giới. Trong những năm gần đây, tỉ lệ tăng dân số tại Nhật Bản sút giảm, chỉ khoảng 0.18% vào năm 2000.
Mật độ dân số của Nhật Bản là 340 người/ km2 (năm 2000), một trong những nước có mật độ dân số cao nhất trên thế giới (847 người/ km2 tại Bangladesh, 463 người/ km2 tại Hàn Quốc, 334 người/ km2 tại Bỉ, 240 người/ km2 tại Anh, 130 người/ km2 tại Trung Quốc và 29 người/ km2 tại Mỹ) . 44% dân số Nhật Bản tập trung tại 3 khu vực hành chính lớn là Tokyo, Osaka và Nagoya.
5. Khí hậu
Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt nhưng nhìn chung, khí hậu Nhật Bản tương đối ôn hoà. Tuy nhiên, do Nhật Bản có địa hình trải dài trên 3.000 km từ Bắc xuống Nam, lại có nhiều dãy núi nên khí hậu từng mùa ở mỗi vùng đều có đặc điểm khác nhau. Mùa hè ấm và độ ẩm cao, vào đầu hè thường có những cơn mưa. Mùa xuân và mùa thu khí hậu êm dịu, mặc dù tháng 9 thường có bão, có thể làm lở đất bằng những trận mưa lớn và gió mạnh. Mùa đông phía Thái Bình Dương thường ôn hoà với nhiều ngày nắng, còn phía biển Nhật Bản thường u ám. Hokkaido là nơi có mùa đông khá khắc nghiệt.
Tuy mỗi vùng của Nhật Bản có đặc điểm khác nhau, nhưng nhìn chung Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt như sau:6. Bốn mùa tại Nhật Bản
Mùa xuân (tháng 3,4, 5)
Vào mùa xuân có nhũng cơn gió ấm áp thổi từ phía Nam đến. Hoa Anh Đào bắt đầu nở rộ.
Các trường học tại Nhật bắt đầu năm học mới vào ngày 1 tháng 4. Năm tài chính của Nhật cũng bắt đầu vào ngày này.
Mùa hè (tháng 6,7,8)
Ngoại trừ Hokkaido, mùa mưa tại Nhật Bản thường rơi vào khoảng tháng 6 đến tháng 7.
Mùa hè tại Nhật nóng bức và độ ẩm cao. Vào dịp hè, người Nhật thường đi bơi, tắm biển, leo núi…
Mùa thu (tháng 9,10,11)
Mùa thu Nhật Bản thường hay có những trận mưa bão, nhất là ở phía Đông.
Khi những trận mưa bão này qua đi, phong cảnh Nhật Bản trở nên tuyệt đẹp với những hàng cây lá đỏ.
Mùa thu cũng là mùa thu hoạch trái cây.
Mùa đông (tháng 12,1,2)
Mùa đông tại Nhật Bản rất lạnh.
Phía Bắc và miền Trung Nhật Bản hứng chịu những cơn bão tuyết, nhưng cũng là mùa thích hợp cho những ai thích chơi trượt tuyết.
7. Núi lửa và động đất
3/4 diện tích đất của Nhật Bản là núi. Vùng Chubu – trung tâm của đảo Honshu được coi là “mái nhà của Nhật Bản” và có nhiều ngọn núi cao hơn 3,000m. 3 ngọn núi cao nhất Nhật Bản là:
– Núi Phú Sĩ, cao 3.776 mét, nằm giáp ranh giữa tỉnh Yamanashi và tỉnh Shizuoka.
– Núi Kitadake (cao 3,192 mét) ở tỉnh Yamanashi.
– Núi cao thứ ba là Hotakadake (cao 3,190 mét) nằm giáp ranh giữa tỉnh Nagano và Gifu.
Nằm ở khu vực địa chấn vành đai núi lửa Thái Bình Dương, Nhật Bản có nhiều khu vực có núi lửa, trong đó có khoảng 80 núi lửa đang hoạt động. Núi Phú Sĩ đã ngưng hoạt động phun trào từ năm 1707. Mặc dù núi lửa gây ra những thiệt hại to lớn qua các đợt phun trào, nhưng đất đai ở những vùng rộng lớn được tro núi lửa hoặc nham thạch bao phủ rất màu mỡ và thích hợp cho trồng trọt. Gần khu vực núi lửa còn có các nguồn suối nước nóng do nước ngầm gặp khí ga của núi lửa ở nhiệt độ cao hoặc bị đun nóng bởi nhiệt độ dưới lòng đất. Suối nước nóng là những điểm rất thu hút khách du lịch.