Thủ Khoa chia sẻ kinh nghiệm

Du học ASA xin được trích đăng bài phỏng vấn Tiến Sĩ H.N.Châu chia sẻ về những bí quyết đã giúp chị trở thành tấm gương thành công tiêu biểu cho du học Nhật Bản.

Thu khoa chia se kinh nghiem

Xin chào các bạn đang quan tâm đến du học Nhật Bản !

Trước tiên xin cảm ơn Du học Nhật Bản ASA đã dành cho tôi góc chia sẻ tâm tình với các bạn trẻ về một phần những trải nghiêm của mình trong suốt những năm dài sống, học tập nghiên cứu và làm việc tại Nhật Bản.

Hiện nay, hình ảnh đất nước Nhật Bản xinh đẹp, trật tự, hiền hòa, với những con người chăm chỉ, hiền lành và cầu tiến… ngày càng trở nên thân thiết hơn trong mắt người Việt Nam chúng ta. Chính vì vậy, Du học Nhật Bản đang trở thành một đề tài quan tâm nóng bỏng cho các bạn mong muốn được trải nghiêm và khám phá bản thân ở một chân trời mới. Khao khát thành công! Khao khát hoàn thiện bản thân !
Việc du học ngày nay không còn là qúa khó khăn như thời của chúng tôi hàng chục năm trước đây. Chỉ cần có tài chính ổn định thì bạn gần như có thể chắc chắn về khả năng đi du học. Tuy nhiên, việc “ đi du học “ có dừng lại ở đó, ở chỗ đặt chân được sang một đất nước mới ?
Hẳn là không chỉ như thế. Tôi chắc chắn mỗi chúng ta khi đặt chân đến một miền đất mới đều ôm ấp trong mình một hy vọng, một mục đích! Mong được tiếp cận nền khoa học kĩ thuật tiên tiến nhất?, mong mở rộng quan hệ và tầm nhìn?, mong trưởng thành về tư tưởng và cách sống?, hay mong có thể cải thiện kinh tế để có một tương lai tươi sáng hơn ?!… Tất cả những mục đích đó rất đa dạng và khác nhau tùy mỗi người, nhưng tựu chung, chúng ta đều có một mong muốn : Đứng Vững nơi xứ người để đạt được mục đích đó (tức Thành Công). Thế nên tại đây, tôi xin mạn phép chia sẻ vài suy nghĩ về vấn đề : nên chuẩn bị cho mình những gì để có thể Đứng Vững & Thành Công tại Nhật.

Vâng,
“Sang Nhật không phải điều khó nhất,
Đứng vững & Thành công tại Nhật mới là điều không dễ”

Đứng Vững” ở đây nên hiểu như thế nào?

Vì du học sinh nói riêng, người nước ngoài nói chung muốn tồn tại được tại ở Nhật đều cần phải có tư cách tại lưu hợp pháp (mà chúng ta hay gọi nôm na là có Visa ở Nhật), nên việc đứng vững có thể hiểu theo nghĩa đen là việc có thể Tồn Tại Lâu Dài tại Nhật để hoàn thành trọn vẹn mục đích và giấc mơ ban đầu ấp ủ.

Khoảng thời gian ứng với sự “tồn tại lâu dài” này cũng tùy người mà rất khác nhau. Bạn mong qua Nhật để được học đúng tiếng Nhật trong môi trường bản xứ và đạt bằng Năng lực Nhật ngữ N1, vậy thì sự “lâu dài” này trong định nghĩa của bạn có thể chỉ 1-2 năm là đủ. Bạn mong sang Nhật để học hỏi những tinh hoa và đạt được tấm bằng Đại học/ Cao học, vậy sự “lâu dài” này có thể là 2-4 năm. Bạn mong tốt nghiệp xong có thể “đầu quân” vào một tập đoàn hay công ty Nhật để học hỏi những kĩ năng thực tế, có một công việc ổn định, hoặc tạo tiền đề cho việc khởi nghiệp trong tương lai…, vậy thì sự “lâu dài” này có thể là 5-6 năm, 7-8 năm hay nhiều hơn nữa…

Mặc dù tưởng đơn giản vậy, nhưng không phải ai cũng có thể “tồn tại lâu dài” được, do những yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Ví dụ: bạn mong lấy được tấm bằng Đại học tại Nhật, nhưng sau khi tốt nghiệp trường ngôn ngữ lại không thi đỗ vào đại học, không gia hạn được Visa bắt buộc phải về nước; Hoặc bạn mong muốn tìm được công việc sau khi tốt nghiệp Đại học/ Cao học tại Nhật nhưng lại không may mắn, không xin được Visa làm việc để tiếp tục tồn tại ở Nhật, giấc mơ xem như nửa đường đứt đoạn…

Cũng có những người tìm mọi cách gắng gượng ở Nhật. Nhưng rồi giống như một người đang rơi giữa biển chỉ biết bơi mà hoàn toàn không có phương hướng, họ có thể tồn tại một thời gian nào đó, nhưng không gặp bờ rồi đến một lúc nào cũng đuối. Vì vậy mỗi chúng ta đều khao khát sớm “bơi được đến bờ”, “bờ” ở đây tức là Thành Công.

Thành Công , trong định nghĩa của mỗi người cũng khác nhau.

Đối với tôi, đạt được mục đích mình muốn làm nghĩa là Thành Công.

Tôi có một kỉ niệm đẹp. Từ khi sang Nhật tôi mới nhận ra người Nhật không biết nhiều về Việt Nam mình như tôi đã từng nghĩ trước đó. Nhật là một quốc gia có trình độ dân trí phổ cập bình quân rất cao, có thể nói là cao nhất Châu Á, nhưng không ít người tôi từng tiếp xúc đã nghĩ Việt Nam vẫn đang còn chiến tranh, người Việt Nam đen và xấu…, hay đại loại như thế. Chính vì vậy, từ những năm đầu Đại học, tôi đã nung nấu mục tiêu phải đạt được thành tích thật tốt trong học tập, sống thật tốt, chan hòa và xinh đẹp, với hy vọng khi có một người nào đó nhắc đến mình, khen mình, họ sẽ nói “cô ấy là người Việt Nam”, tôi sẽ nói trong tự hào rằng “ tôi là người Việt Nam”… Bốn năm cố gắng phấn đấu cho tôi thành tích Thủ Khoa Đại học Nhật, buổi lễ Tốt nghiệp của năm ấy chắc chắn cũng sẽ thật đặc biệt với Viện Công Nghệ Kyoto, vì lần đầu tiên một người được nhận huy chương và bằng khen danh dự của trường được xướng lên là một “du học sinh đến từ Việt Nam”. Trong giây phút đó, tôi biết mình đã “làm được” .

Vậy làm cách nào để có thể “Tồn Tại Lâu Dài” và “Thành Công” được ở Nhật Bản, đó là điều mà chắc chắn chúng ta đang quan tâm nhất.

Ông bà ta thường nói “Nhập gia tùy tục”. Vào nhà khác phải thuận theo tục lệ của nhà đó, biết “tục” mới mong hòa nhập tốt với “gia”. Sang một nước khác cũng vậy , không “tùy tục” thì khó mà hòa nhập và thành công được. Đặc biệt, điều này càng quan trọng với một quốc gia có tính dân tộc cao như Nhật Bản. Dĩ nhiên “tùy tục” ở đây cần được hiểu một cách sáng suốt là tiếp thu những điều hay lẽ phải chứ không phải bắt chước tất cả mọi thứ một cách máy móc. Khi đã “tùy tục”, tức quen môi trường rồi, thì điều còn lại là chúng ta làm cách nào để phát huy tốt nhất những khả năng của bản thân.
Như trên có đề cập, mỗi việc chúng ta thành – bại trong cuộc sống đều có liên quan đến hai yếu tố Khách quan & Chủ quan. Ở đây tôi muốn đề cập đến những yếu tố chủ quan, tức những yếu tố mà chúng ta có thể chủ động nắm bắt, thay đổi, dẫn đến việc có thể xoay chuyển tình thế, kết quả. Yếu tố chủ quan ở đây chính là tư tưởng, cách nghĩ và hành động của chính bản thân mình. Không một hành trang nào tốt hơn cho bạn trước khi bước chân trên con đường du học bằng một Sự chuẩn bị tinh thần đầy đủ, một Đinh hướng đúng đắn cùng một Vốn kiến thức nhất định.

“Tuổi trẻ phải biết Ước Mơ & Thử Thách” !

Đây không phải câu nói của một thánh nhân nào, đơn giản chỉ là lời tôi tự răn mình và nó cũng là kim chỉ nam của tôi từ những năm đầu sống tại Nhật. Ai đó từng nói, Hãy ước mơ đi cho dù có thể ngày mai nó không thành sự thật. Tôi nghĩ đúng như thế. Vì không từng nuôi ước mơ thì làm sao có thể phấn đấu để nó được hiện thực hóa. Chính ước mơ sẽ là sức mạnh vô hình dẫn dắt tư tưởng của chúng ta hướng về đích đến.
Nhưng, ước mơ sẽ dần dần trở thành xa xỉ nếu chúng ta không bắt tay vào Làm và Thử thách. Hãy luôn sẵn sàng trong tư thế thử thách những điều mới lạ. Vì mỗi thử thách sẽ cho chúng ta những học hỏi mới, và cả những cơ hội mới. Và tuổi trẻ chính là khoảng thời gian tốt nhất để chúng ta đón nhận hoặc tự tạo cho mình nhưng thử thách để tôi luyện.

Edison từng nói “Trong Thành công của tôi có 99% là mồ hôi nước mắt, chỉ có 1% là do trời phú”. Tôi chắc chắn hơn bất cứ quốc gia nào, điều này vô cùng chính xác khi đặt trong môi trường Nhật Bản, nơi mà sự Cố Gắng, Tận tâm của bạn luôn được đánh giá cao, và ngược lại những người không cố gắng sẽ bị đào thải. Trong cuộc sống lẫn công việc , câu cửa miệng của người Nhật luôn là “Ganbarimasu” (tôi sẽ cố gắng) như một sự thể hiện quyết tâm, ý chí.

Tôi cũng thích câu nói “Thành công lớn bắt đầu từ những việc làm nhỏ”. Tôi biết rất nhiều người ngoại quốc khi mới đến Nhật, và ngay cả bản thân tôi cũng vậy, đã rất ngạc nhiên, thích thú và ngưỡng mộ sự tỉ mỉ của người Nhật. Có lẽ không quá khi nói người Nhật tỉ mỉ, cẩn trọng nhất thế giới. Họ chăm chút những thứ nhỏ nhất, cố gắng làm tốt từ những việc nhỏ nhất … Sự phát triển của Nhật vì thế mà cũng vô cùng chắc chắn. Cố gắng từ những việc làm nhỏ chắc chắc sẽ là nền tảng bền vững cho sự phát triển của chính bạn trong tương lai…

Mến chúc các bạn thành công trên con đường thực hiện ước mơ của mình.

Thân ái .

wagashiẢnh minh họa: Người Nhật chăm chút những thứ nhỏ nhất, cố gắng làm tốt từ những việc nhỏ nhất …