CÁC NGÀY NGHỈ LỄ Ở NHẬT BẢN , bạn đã biết hết chưa ^^
Khi làm ăn với đối tác Nhật Bản, việc biết rõ những ngày nghỉ lễ trong năm của người Nhật giúp bạn chủ động trong kế hoạch công việc của mình. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin để tham khảo.
Có 15 ngày lễ được quy định bởi pháp luật Nhật Bản. Nếu như ngày lễ đó rơi vào ngày Chủ Nhật thì ngày thứ Hai kế tiếp sẽ là ngày được nghỉ bù. Nếu một ngày nằm xen giữa hai ngày lễ thì ngày đó cũng được nghỉ.
+ Ngày mồng một Tết: Ngày mồng một tháng Một. Đây là ngày lễ quan trọng nhất ở Nhật bản.
Là quốc gia ở Đông Bắc Á nhưng kể từ khi có cuộc Duy Tân Minh Trị do Thiên Hoàng Meiji tiến hành thành công vào năm 1868, nước Nhật đã có truyền thống đón mừng Tết Nguyên Đán theo năm mới dương lịch như các nước phương Tây. Thông thường, người dân Nhật Bản bắt đầu chuẩn bị năm mới từ ngày 31/12 của năm cũ. Có khá nhiều công ty nghỉ từ ngày 30 tết đến hết ngày mồng 3 tháng 1. Các công ty Nhật bắt đầu làm việc từ ngày mùng 4 nhưng không khí tết nhiều khi còn kéo dài đến tận ngày Lễ thành niên 15-1 dành cho những thanh niên nam nữ tròn 20 tuổi.
+ Ngày lễ thành niên: Trước đây là ngày 15 tháng 1 nhưng hiện nay được chuyển thành ngày Thứ Hai của tuần thứ 2 của tháng 1. Đây là ngày lễ dành riêng cho các thanh niên tròn 20.
+ Ngày Quốc khánh: Ngày 11 tháng 2. Theo lịch sử Nhật Bản, vào ngày này năm 660 trước Công Nguyên, Thiên Hoàng đầu tiên của Nhật đăng quang.
+Ngày Xuân phân: Ngày 20 tháng 3. Đây được coi là ngày lễ ca tụng thiên nhiên và sinh vật sống.
+ Ngày Chiêu Hòa: Ngày 29 tháng 4. Đây là ngày sinh của cố Hoàng đế Chiêu Hoà. Trước năm 2007 ngày 29 tháng 4 được gọi là ngày Xanh. Sau khi Hoàng đế Chiêu Hòa tạ thế người ta lấy ngày này làm ngày lễ giữ gìn màu xanh của thiên nhiên (hiện nay người ta kỷ niệm ngày này vào ngày mồng 4 tháng 5). Ngày Chiêu Hòa là một phần của Tuần Lễ Vàng (Golden Week *).
+ Ngày Hiến pháp: mồng 3 tháng 5. Từ năm 1947 ngày này được lấy để kỷ niệm ngày hiến pháp Nhật được thiết lập, đánh dấu và gợi nhớ một sự kiện – một thể chế mới được thiết lập và có hiệu lực sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.
+ Ngày lễ dân tộc: là ngày mồng 4 tháng 5, còn được gọi là ngày Xanh. Từ năm 2006 trở về trước, ngày Xanh được kỷ niệm vào ngày sinh của cố Hoàng Đế Chiêu Hòa 29 tháng 4 như nói trên vì ông Vua này rất yêu cây cối và thiên nhiên. Ngày 4 tháng 5 cũng là một phần của Tuần Lễ Vàng.
+ Ngày thiếu nhi: mồng 5 tháng 5 (khác với nước ta là ngày mồng 1 tháng 6). Đây là ngày lễ để cầu cho sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em. Ngày này còn được gọi là ngày lễ “Đoan ngọ”, ngày lễ dành riêng cho trẻ em là con trai. Người ta thường treo cờ cá chép vào ngày này. (Cùng với ngày của các bé trai là ngày của các bé gái, đó là ngày 03/03). Ngày 5 tháng 5 cũng là một phần của Tuần Lễ Vàng.
+ Ngày của biển: Thứ Hai của tuần thứ ba của tháng 7. Đây là ngày dành để cảm ơn những gì mà biển đã ban tặng. Ngày này đánh dấu việc Hoàng Đế Meiji trở về an toàn sau chuyến đi Hokkaido trên một con thuyền năm 1876.
+ Tuần lễ Obon (*): Lễ hội Obon từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8. Đây không phải là ngày lễ quốc gia nhưng người Nhật nghỉ tương đối dài vào những ngày này. Tuần lễ Obon là 1 trong ba kỳ nghỉ dài nhất trong năm của người Nhật bên cạnh kỳ nghỉ Tết và kỳ nghỉ ” Tuần Lễ Vàng”. Lễ hội Obon giống như lễ xá tội vong nhân của Việt Nam vào dịp Rằm tháng Bảy âm lịch.
+ Ngày kính lão: Thứ Hai của tuần thứ ba của tháng 9. Là ngày dành để tỏ lòng kính trọng đối với người già và chúc thọ, được đặt ra từ năm 1966.
+ Ngày thu phân: Ngày 23 tháng 9. Là ngày để tưởng nhớ về những người đã khuất và tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Người ta thường đi thăm mộ người thân vào những ngày này.
+ Ngày thể dục thể thao: Thứ Hai của tuần thứ hai của tháng 10. Được áp dụng từ năm 1966 nhằm kỷ niệm sự kiện thể thao lớn – Olympic Tokyo 1964, đây là ngày lễ nhằm khuyến khích phong trào luyện tập thể dục thể thao.
+ Ngày Văn hóa: Mồng 3 tháng 11. Ngày lễ khuyến khích cho sự hưng thịnh và phát triển của nền văn hóa truyền thống và tình yêu tự do, hoà bình. Vào ngày này, các trường học và chính phủ Nhật lựa chọn và ken thưởng những người có thành thích đặc biệt xuất sắc.
+ Ngày lễ tạ ơn người lao động: Ngày 23 tháng 11. Là ngày lễ nhằm đề cao giá trị của sức lao động và cảm tạ cho một vụ mùa bội thu. Ngày lễ này thường được tổ chức khi vụ mùa kết thúc, người dân dân hiến tặng những sản vật mới thu hoạch nhằm tỏ lòng kính trọng thánh thần. Ngày này tương đương với ngày lễ Tạ ơn – Thanks Giving của phương Tây.
+ Ngày sinh nhật của Nhật Hoàng: Ngày 23 tháng 12. Là ngày lễ nhân dịp sinh nhật của Nhật Hoàng Bình Thành hiện nay.
+ Tuần lễ vàng.
Người Nhật quá bận bịu với công việc do đó thời gian nghỉ ngơi đối với họ là vô cùng quan trọng. Có lẽ trong 1 năm thì vào dịp tháng 5 là dịp họ có thể có kỳ nghỉ dài nhất vì thế họ gọi đây là “Tuần lễ Vàng”. Là tuần lễ cầu cho quốc thái dân an.
Đối với người Nhật, đặc biệt những người đi làm việc cho các công ty thì đây là một tuần lể vô cùng đặc biệt.
Tuần lễ Vàng tại Nhật Bản bao gồm 4 ngày quốc lễ trong vòng một tuần, kể từ 29/4 đến 5/5. Tuần lễ Vàng là một trong ba kỳ nghỉ nhộn nhịp nhất bên cạnh kỳ nghỉ nhân dịp năm mới và tuần lễ Obon (tuần lễ tín đồ đạo Phật).
Các ngày quốc lễ trong tuần lễ Vàng gồm có: ngày 29 tháng 4 – ngày sinh của cố Hoàng đế Chiêu Hòa, ngày 3 tháng 5 là ngày Hiến pháp, ngày 4 tháng 5 là ngày Xanh – ngày nghỉ của dân chúng, ngày 5 tháng 5 là ngày thiếu nhi. Cả 4 ngày này đều là ngày nghỉ ở Nhật. Do đó nếu trước hoặc sau 4 ngày này là ngày quốc tế lao động hay ngày Thứ 7 hoặc Chủ nhật thì sẽ có cơ hội có khoảng 5 ngày nghỉ liên tiếp và nhiều công ty cố tình điểu chỉnh các ngày nghỉ để cho nhân viên được nghỉ luôn 1 tuần. Ngoài ra, tháng 5 là mùa xuân và khí hậu không quá nóng, cũng không quá lạnh, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp nên đây là một dịp lý tưởng cho các cuộc du ngoạn.
+ Tuần lễ Obon
Lễ Obon còn gọi là lễ Lễ Vu lan (hay còn gọi là Lễ xá tội vong nhân vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm của Việt Nam) diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 7 âm lịch ( tháng 8 dương lịch). Nhiều người kết hợp nghỉ Obon và nghỉ hè để thời gian nghỉ được liên tục. Đây cũng là lễ Phật, với người Nhật Bản, đạo Phật có ý nghĩa rất quan trọng, lễ Phật cầu nguyện cho bình yên, an lạc trong cuộc sống.
Vào kỳ nghỉ lễ Obon, các gia đình Nhật Bản thường quây quần lại với nhau trong một đợt nghỉ khá dài. Kỳ nghỉ này thực sự là những ngày gia đình đối với những người Nhật Bản. Trong dịp này, hầu hết những người đang ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà của mình, hoặc đi viếng mộ những người thân trong gia đình. Đây còn là lễ hội của toàn nước Nhật, mang sắc màu linh thiêng và một chút huyền bí được tổ chức tại cố đô Kyoto thơ mộng.
Lễ hội Obon mang ý nghĩa là linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở lại nơi trần thế, nó cũng giống như ngày rằm tháng bảy là ngày Xá tội vong nhân (hay còn gọi là Lễ Vu lan) ở nước ta. Việt Nam ta có tục đốt vàng mã để dâng đến Tổ tiên, ông bà và những người đã khuất, thì ở Nhật Bản phong tục này cũng gần như vậy. Đồ cúng của các gia đình Nhật Bản là những chiếc bánh khảo, làm từ bột gạo nhiều màu sắc cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều chủng loại được trình bày rất đẹp mắt. Trong dịp lễ Obon, một số lễ hội pháo hoa lớn cũng được tổ chức ở các nơi trên đất nước Nhật Bản.
Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật Bản tổ chức để kỷ niệm Lễ hội Obon này. Đặc biệt nhất là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời (sau khi ghé về thăm trần thế trong dịp Obon) vào đêm 16 tháng 8. Lễ hội này thu hút rất nhiều người Nhật Bản cũng như du khách từ khắp các nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng. Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt lên lần lượt ở trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ đồng hồ. Đây chính là hình ảnh tuyệt vời giữa đêm mùa hè của Cố đô Nhật.