Ở Nhật có một cái hay là hầu như tháng nào cũng có một lễ hội gì đó để ăn mừng. Xem lại từ đầu năm tới giờ nhé. Tháng 1 thì có ngày Tết. Tháng 2 thì có lễ Tình nhân. Tháng 3 thì có Hina Matsuri, Ngày của các bé gái. Tháng 4 thì có Ohanami. Bây giờ đến tháng 5 lại có ngày gọi là Kodomo-no-hi, Children’s Day, dịch đúng ra là Ngày Thiếu Nhi. Gọi là Ngày Thiếu Nhi, nhưng đối với người Nhật, đây là Ngày của các bé trai. Các bé gái đã có một ngày riêng rồi nhé, là vào ngày 3 tháng 3 hàng năm.
Ngày của các bé trai ở Nhật vốn được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch giống như Tết Đoan Ngọ của Việt Nam vậy. Tên gọi ban đầu của ngày này là Tango no sekku (端午の節句), theo tiếng Hán cũng có nghĩa là Đoan Ngọ, đánh dấu sự khởi đầu của một mùa hè, mùa mưa mới. Sau này, khi người Nhật chuyển sang dùng Dương lịch, ngày này cũng được chuyển sang tổ chức vào ngày 5/5 Dương lịch hàng năm. Sau đó, ngày này được gọi là Ngày thiếu nhi để tránh sự phân biệt giới tính, và là một trong những ngày quốc lễ ở Nhật.
Hình tượng tiêu biểu cho Ngày của các bé trai này là lá cờ hình cá chép, được gọi là Koi-nobori trong tiếng Nhật. “Koi” có nghĩa là cá chép, “nobori” có nghĩa là cây sào bằng tre, trên đỉnh có gắn vòng sắt đan cùng nhiều sợi vải dài. Vì vậy Koi-nobori có nghĩa là cây sào có gắn lá cờ đuôi nheo hình cá chép. Hình ảnh cá chép này vốn bắt nguồn từ truyền thuyết cá chép vượt vũ môn hóa rồng của Trung Hoa. Ở Nhật, bắt đầu từ thời Edo, đến ngày 5 tháng 5 (lúc bấy giờ vẫn còn sử dụng Âm lịch), các gia đình sẽ treo cây sào có gắn lá cờ đuôi nheo cá chép này trước sân nhà mình để cầu cho con trai của mình sẽ luôn cố gắng vươn lên, mạnh mẽ và ngày càng thành công trong cuộc sống, tựa như hình ảnh cá chép mạnh mẽ vượt vũ môn để hóa rồng vậy.
Một cây sào như vậy thường bao gồm: thỉ xa (矢車, vòng sắt trên đỉnh), các dây vải dài mỏng (吹き流し), một con cá chép màu đen (magoi, 真鯉), một con cá chép màu đỏ (higoi, 緋鯉), và một con cá chép màu xanh dương (sigoi, 子鯉). Ngoài ra, ở nhiều nơi người ta còn treo cả cá chép màu cam và nhiều màu sặc sỡ khác. Có gia đình còn treo số cờ cá chép theo đúng số thành viên trong gia đình mình nữa ^^. Các đồ vật dùng để trưng bày cho dịp lễ này cũng được bán rất nhiều tại cửa hàng 100 yên.
Trong ngày này, ngoài lá cờ cá chép treo trước sân nhà, hoặc trước ban công nhà, theo phong tục, người ta còn trưng bày búp bê võ sĩ (musha-ningyo, 武者人形) hoặc là bộ áo giáp võ sĩ trong nhà nữa.
Ngày xưa, vào ngày Đoan ngọ, người ta thường cắm sào, lập hàng rào quanh nhà để cầu xin thần linh bảo vệ khỏi quỷ dữ, và những điềm gỡ. Sau đó, phong tục này dần dần chuyển thành việc trang trí trong nhà bằng búp bê võ sĩ mặc áp giáp (gọi là yoroi) và đội mũ sắt (gọi là kabuto). Tất nhiên, người dân thường thì không thể có vũ khí hay áo giáp thật được, nên người ta phải làm những hình nhân võ sĩ bằng giấy. Phong tục trang trí búp bê tháng 5 được cho là bắt đầu từ đó.
Búp bê võ sĩ cũng có nhiều phong cách khác nhau. Tất nhiên tất cả đều là búp bê nam nhé Nhưng vì ngày xưa, con trai cũng để tóc dài nên có nhiều búp bê nhìn hơi giống con gái một chút
Áo giáp, mũ sắt vốn được dùng để bảo vệ tính mạng của các võ sĩ trong chiến tranh. Vì vậy, việc trưng bày những đồ vật này trong nhà là để cầu mong cho con trai mình được khỏe mạnh. Áo giáp và mũ sắt cũng có nhiều kiểu khác nhau. Áo giáp thì thay đổi theo thời gian do sự phát triển của vũ khí chiến đấu. Còn mũ sắt lại mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn như mũ sắt có hình trăng lưỡi liềm trên đầu là biểu hiện cho sự bất tử, hình con chuồn chuồn biểu hiện cho chiến thắng, hình con bọ ngựa biểu hiện cho khả năng tiên đoán được tương lai, hình chữ Ái biểu hiện cho thần chiến tranh… Trong các biểu tượng được gắn trên mũ sắt thì phổ biến nhất phải kể đến biểu tượng Kuwagata (hình chiếc mai/thuổng, một dụng cụ làm nông). Biểu tượng này thể hiện sự kính trọng đối với tổ tiên.
(St)